.

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Bún ôc HN

Bún ốc là một món ăn dân dã nhưng không kém phần tinh tế, cầu kỳ. Khắp ngõ phố Hà Nội đều có sự hiện diện của bún ốc.
Hà Nội có nhiều món bún ngon và độc đáo, bún ốc là một trong số đó. Người Hà Nội chuộng bún ốc đến nỗi bún ốc đã xuất hiện khắp các con phố to, ngõ nhỏ và trở thành món ăn đặc trưng của đất kinh kỳ.
 
Để nấu được bát bún ngon, người đầu bếp phải tinh thông nhiều mặt: từ khâu chọn ốc, luộc ốc, chế biến nước giấm bỗng, pha ớt bột và ớt tươi cho đến công đoạn ninh xương, canh lửa, xào ốc hay chọn loại bún thích hợp để ăn bún... Bún ốc có thể ăn theo nhiều cách: bún riêu ốc nóng bỏng rát lưỡi, bún ốc nguội không vương chút dầu mỡ hay bún ốc chuối đậu thơm bùi.
 
Nhưng dù ở biến thể nào cũng không thể thiếu món rau gia vị là tía tô, kinh giới, chuối thái sợi, rau muống chẻ... Tất cả làm nên món ăn quyến rũ, thơm hương, mang đậm tinh hoa của nền ẩm thực dân tộc.
1. Bún ốc nguội
Bún ốc nguội là món ăn dân dã và chỉ của riêng Hà Nội. Không dễ để tìm địa chỉ bán loại bún này và rất ít người có thể làm ngon được. Bún ốc nguội bình dị nhưng lại cầu kỳ hơn bất kỳ loại bún ốc nào từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến.
 
 
Cái làm nên linh hồn của món này là thứ canh ốc ngọt mát, hơi chua dịu, mặn vừa phải, thơm nồng của gừng, cay cay của ớt. Một đĩa bún trắng nõn với sợi thật nhỏ, dát thành từng lá mỏng, một bát nước chấm trắng đục, thả vài con ốc nhồi vừa phải, không rau, không hành.
 
 
Chấm lá bún mỏng vào bát nước chấm thoang thoảng mùi giấm bỗng và gắp miếng ốc vừa giòn vừa ngọt đưa lên miệng để cảm nhận rõ vị ngon thấm thía. Một món ăn đầy nhẹ nhàng, mộc mạc mà có sức hút bền lâu.
 
Vài địa chỉ bạn có thể tham khảo:
Quán bún ốc cổ trên Đội Cấn.
Quán bún ốc tại đường Phù Đổng Thiên Vương.
Quán bún ốc ở đầu Ô Quan Chưởng.
2. Bún riêu ốc
Gia vị để chế biến bún ốc bao gồm rất nhiều thứ như: cà chua, tai chua, giấm bỗng rượu, mỡ, tiêu, mì chính, muối, đường, ớt... và các loại rau sống, gia vị ăn kèm như: xà lách, tía tô, kinh giới, húng láng, mùi, rau chuối non thái mỏng. Nước dùng được nấu từ nước xương thêm vào nước luộc ốc, hầm cho trong và được nêm thêm bằng giấm bỗng.
 
Bún ốc chua ngọt, số 20 Đại Cồ Việt và Bún “Tình quê”, ở phố Cao Đạt.
 
Khi khách ăn gọi bún ốc người ta chỉ bỏ ốc vào bát, bỏ bún đã chần qua nước sôi rồi chan nước dùng là ăn được. Bát bún riêu ốc ngon phải nóng hổi, ngọt vị ngọt của nước xương hầm, nước dùng trong, có vị chua của giấm, của cà chua, có vị nồng của mắm tôm hòa quyện và không thể vắng đi được chút cay cay của thứ ớt chưng đặc biệt.
 
Bún riêu ốc Hàng Bạc.
 
Bún riêu ốc bà Giao, ngõ 433 Bạch Mai.
 
Ốc dùng cho món ăn này thường là ốc mít vừa ăn, béo ngậy, giòn giòn. Món ăn này thỏa mãn khứu giác, thị giác và cả vị giác của những người sành ăn nhất. Để đổi vị, các hàng riêu ốc còn bổ sung thêm thịt bò, giò, trứng vịt lộn cho thêm phần phong phú. Một đĩa rau sống là gia vị không thể thiếu của món ăn này.

Bún riêu ốc bà Béo, phố Hòe Nhai.

Bún riêu ốc phủ Tây Hồ
3. Bún ốc chuối đậu
Trong các dòng bún ốc Hà Nội thì đây có lẽ là món đậm đà hương vị và giàu truyền thống nhất. Ngày nay trên khắp Hà Nội có nhiều điểm bán món này, nhưng thực khách sành ăn chỉ tìm đến 1 địa chỉ duy nhất với gần 50 năm trong nghề: Bún ốc bà Lương ở phố Khương Thượng.
 
Bát bún ốc chuối đậu tại quán lúc nào cũng hấp dẫn thực khách bởi màu sắc rực rỡ, vẻ mỡ màng óng lên cà chua chưng, từ con ốc thấm đều gia vị, chuối xanh với đậu được nấu bở nhuyễn và tơi ngon, như tan trong miệng, cùng với nước dùng béo ngậy, chua chua cay cay hài hòa.
 
Bún ốc bà Lương, ngõ 191 Khương Thượng.
 
Thêm chút rau chuối thái mỏng, ăn kèm húng Láng, tía tô, rau ngò. Thế là đầy đủ hương vị của bát bún ốc cổ truyền của người Hà Nội xưa. Bởi thế mà 50 năm qua, quán không khi nào ngơi khách. Bát bún nồng nàn không chỉ làm dịu cơn thèm mà còn mang lại sự thích thú khi được thưởng thức món ăn ngon.
 
Thực khách, dù là người con Hà Nội hay khách thập phương đều nghe đến tiếng bún ốc chuối đậu Khương Thượng.

Hà Nội nổi tiếng nhiều món quà ngon, trong đó có món bún ốc. Bún ốc là món cũng khá phổ biến, ở đâu cũng có, ai làm cũng được. Tuy nhiên, để có được bữa bún ốc hay bát bún ốc ngon, ăn xong phải xuýt xoa thì lại không đơn giản chút nào. Nó cần một bàn tay khéo léo, con mắt tinh tường và nhiều gia vị kèm theo (dù chỉ là những thứ dễ kiếm).
Bún ốc gồm hai nguyên liệu cơ bản là bún và ốc. Hà Nội có 2 vùng làm bún cực ngon là Phú Đô và Tứ Kỳ, sợi bún trắng muốt, giòn mà không bở, để từ sớm tới chiều mà không chua, trông cứ như những đám mây mùa hè tự thu mình lại nằm trên đĩa hay trong bát. Còn ốc thì cũng có hai vùng nổi tiếng là Hồ Tây mênh mông con sóng và mấy làng thuộc huyện Thanh Trì như Yên Duyên, Trần Phú, Pháp Vân (là vùng chiêm trũng), nhưng nay thì nhu cầu lớn hơn xưa nhiều, ốc của nhiều tỉnh quanh Hà Nội cũng theo nhau đổ về Thủ đô.
Có những hàng bún ốc nổi tiếng, được thực khách tín nhiệm đời mẹ bán hàng, mẹ mất truyền cho đời con… mà hàng bún ốc của chị Trần Thị Hòa ở phố Phù Đổng Thiên Vương phía sau chợ Hôm là một. Nguyên đầu tiên, bà cụ quê Pháp Vân ngồi ngay bên vỉa hè, cứ mỗi sáng sớm bà cụ lại đi xe đạp hoặc quẩy bộ gánh bún ốc ngồi nhờ một hàng hiên nhà quen… Lần đầu khách biết tiếng, đông lên, khoảng 10 giờ sáng là gánh hàng bán hết. Bà cùng bà em ruột cũng bán bún ốc, nhưng ngồi bên phố Hàm Long, chếch cửa nhà thờ, cũng chỉ bán trong buổi sáng.
Món bún ốc của hai bà luôn làm hài lòng người ăn. Đủ độ cay chua mặn ngot, sạch sẽ. Bún không bao giờ chua hoặc nát, độ to vừa phải, giòn và không dai. Ốc dùng làm món bún ốc phải béo mà không ngấy, khi khêu ốc phần ruột bỏ đi, chỉ giữ lại cái sáp màu vàng hoàng thổ, tròn tròn xinh xinh… Chị Hòa là con gái của bà cụ bún ốc Pháp Vân ấy. Mẹ mất,chị tiếp tục theo nghề của mẹ, nhưng đã thuê một gian hàng nhỏ, có bàn ghế cho khách ngồi đàng hoàng, dù rằng cạnh đó vẫn còn đôi quang gánh chiếc bếp lò và chiếc bàn vừa thấp vừa nhỏ….
Bún ốc muốn ngon, ốc mua về không nên nấu ngay mà phải ngâm trong nước vo gạo một hai ngày để ốc vừa ăn chất cám vừa nhả ra hết rêu và bùn trong bụng. Có nhà làm món cầu kỳ còn đập đôi ba quả trứng gà vào chậu ngâm ốc, “vỗ béo” cho con ốc trước khi nó thành món khoái khẩu của con người…
Ốc luộc vừa chín tới (luộc kỹ sẽ bị dai), không khêu sẵn, khách ăn mới khêu từng con đặt lên bát bún. Nhất thiết giữ lại nước luộc ốc, chế biến thành nước lèo chan bún. Có cà chua cho đẹp, nhất là vị chua không phải của mẻ hay là quả dọc, quả khế, mà ngon nhất là dấm bỗng, tức bã rượu có độ chua dịu và thơm. Cũng không thể như bún riêu chỉ cần ớt tươi, mà bún ốc phải có ít bột ớt khô chưng với mỡ cho sền sệt, nó cay đậm đến nỗi chảy nước mắt mà Thạch Lam từng phải viết: “…Ăn món này, rỏ nước mắt có khi còn thật hơn những giọt lệ tình…”.
Ăn kèm với bún ốc là rau ghém, không thể thiếu món rau đầu vị là tía tô vừa quăn vừa tím vừa tràn ngập mùi hương hơn cả kinh giới, rau mùi ta, mùi tàu, rau ngổ… Có thể trong đĩa rau ghém ấy còn có rau muống chẻ, thứ rau muống Sơn Tây giòn tan, xanh mướt hoặc thân cây chuối non, trắng phau, thưa thoáng như dệt bằng vải mành và cong cong như vầng trăng đầu tháng…
Bún ốc có thể ăn theo 2 cách: nóng và lạnh. Nóng thì phải bỏng rát lưỡi, còn lạnh thì hoàn toàn không vương một chút tanh nào bởi vị cay của ớt chưng, mùi thơm của dấm bỗng, các mùi thơm của rau, gia vị và rau sống…
Bún ốc là món quà ngon Hà Nội, hầu như vài ba phố đã có vài hàng bún ốc. Nhưng, để có món quà ngon theo sở thích, không làm hỏng đi một buổi sáng sau khi ăn quà của mình, nhiều người thường tìm đến hàng bún ốc chị Hòa hoặc ở phố Mai Hắc Đế. Còn trên phủ Tây Hồ thì khi nào đi lễ, tiện thể ăn quà mới vào trong mấy hàng ấy, bình thường thì nó quá xa.
Hồ Tây và Thanh Trì hiện không còn đủ sức cung cấp ốc cho Hà Nội. Chị Hòa phải đặt hàng mua ốc ở Hưng Yên, Hải Dương… Cứ đúng hẹn thì ốc lại được mang tới nhà chị, ngâm một hai hôm, con ốc mới chạm lưỡi người ăn…
Bún ốc là món quà sáng, cùng lắm ăn đến trưa cho đổi bữa cũng được. Còn ít ai ăn bún ốc buổi chiều vì sợ lạnh. Nhưng lâu nay cũng có ít hàng ốc luộc kèm theo rượu thuốc bán cho đến khuya. Có lẽ rượu hâm nóng con ốc trong dạ dày chăng? Còn ven Hồ Tây có hàng chục hàng ốc hấp thuốc bắc, mấy quán “ Ông già” không biết ông già nào là thực, ông già nào là sau. Và đó không phải là bún ốc, món quà dân dã mà ngon lành, ăn nóng đã ngon mà nguội cũng ngon, nhưng nhất thiết không thể thiếu các gia vị đi kèm.
                                                                                      st

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn có thể dùng thẻ sau để:
- Post hình : [img] link hình [/img]
- Post video: [youtube] link youtube [/youtube]